Lào Cai 26° - 27°
An toàn vệ sinh lao động về hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Lượt xem: 567
Công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là một trong những chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ người lao động...
Công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là một trong những chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ người lao động. Quan tâm thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ - PCCN là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của bản thân mỗi người lao động.

Với nhận thức đó, trong những năm qua các cấp, các ngành đã làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn và tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm về An toàn lao động, vệ sinh lao động đến các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và người lao động; công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ đã từng bước đi vào đời sống; các quan hệ về quyền và nghĩa vụ quy định trong pháp luật lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động được tôn trọng và bảo đảm thực hiện, năm sau tốt hơn năm trước. Đặc biệt năm 2010, mặc dù giá cả thị trường có nhiều biến động và thiên tai diễn ra trên diện rộng trong nước, song với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đã khắc phục, vượt qua khó khăn và thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, công tác ATVSLĐ - PCCN ngày càng được quan tâm, góp phần giảm thiểu sự cố máy, thiết bị, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên cũng còn một số cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân người lao động chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, lợi ích của công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ - PCCN, nên còn để xảy ra sự cố đối với máy, thiết bị, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, một số vụ cháy, hoả hoạn đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của cơ quan và doanh nghiệp,… Năm 2010, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 34 vụ tai nạn lao động làm 38 người bị tai nạn, trong đó có 06 vụ có người chết; để xảy ra 45 vụ cháy, nổ, gây thiệt hại về tài sản trên 01 tỷ đồng (không có thiệt hại về người); xảy ra 56 vụ cháy rừng làm thiệt hại trên 800 ha rừng, điển hình nhất là vụ cháy rừng Quốc gia Hoàng Liên từ ngày 08/02 đến 12/02/2010 làm thiệt hại 718 ha rừng. Bên cạnh đó còn một số hộ kinh doanh gas vẫn cố tình sử dụng những bình gas du lịch cũ đã han gỉ để nạp lại gas đưa vào bán trên thị trường, rất dễ xảy ra nổ bình gas khi vận chuyển và sử dụng. Nguyên nhân chính của những vụ tai nạn lao động chủ yếu do người lao động và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật lao động, còn vi phạm các quy chuẩn, quy trình, quy phạm và biện pháp làm việc an toàn.

Với mục tiêu: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành pháp luật bảo hộ lao động, ATVSLĐ - PCCN; chăm lo cải thiện điều kiện lao động, nâng cao sức khoẻ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động; bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV.

Để công tác ATVSLĐ-PCCN trong thời gian tới đạt kết quả tốt, các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tiếp tục quán triệt và tập trung làm tốt các nội dung cơ bản sau đây:

Một là: Mỗi ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/2008/CT-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND ngày 01/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ-PCCN trong tình hình mới, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người lao động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN theo quy định của pháp luật.

Hai là: Chủ sử dụng lao động trong các thành phần kinh tế chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện tốt các chế độ, tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ-PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ làm công tác ATVSLĐ-PCCN.

Ba là: Triển khai thực hiện tốt Chương trình quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 theo nội dung Quyết định số 2118/1010/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 16/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011- 2015.

Bốn là: Tổ chức Công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động về chính sách lao động, ATVSLĐ; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

            Năm là: Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; khen thưởng kịp thời cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ-PCCN; đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập