Lào Cai 26° - 29°
Bát Xát - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 627
Công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn được huyện Bát Xát xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Chính vì vậy, ngay sau khi thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Bát Xát đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án: “Đào tạo nghề cho người lao động nông thôn đến năm 2020”.

Đồng thời, tổ chức các hội nghị quán triệt sâu rộng nội dung Quyết định 1956 và kế hoạch thực hiện UBND huyện tới các xã, thị trấn trong huyện, trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề và đào tạo nghề cho người lao động nông thôn giúp nông dân có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Về công tác tuyển sinh, Trung tâm đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ động sưu tầm, thu thập tài liệu cũng như thiết lập mạng lưới giáo viên liên quan đến lĩnh vực đào tạo để cử xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con tích cực tham gia học nghề nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời lựa chọn những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế  từng xã, từng thôn bản và nhu cầu nguyện vọng, khả năng tiếp thu của người dân nên đã thu hút đông đảo người dân  tham gia.

Trong công tác đào tạo, đơn vị giáo viên trực tiếp xuống tận nơi, tổ chức học nghề ngay tại ruộng, nương, vườn, chuồng trại chăn nuôi theo hình thức cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học nghề và áp dụng thực tế vào công việc sản xuất, chăn nuôi. Cô giáo Hoàng Thị Quỳnh, giảng dạy lĩnh vực trồng trọt cho biết: Học viên ở đây được quy định trong độ tuổi lao động từ 16-60 tuổi, nhưng có nhiều trường hợp trên 60 tuổi hoặc có cháu học sinh chỉ 13-14 tuổi cũng đăng ký theo học, họ học không vì mục đích gì ngoài việc học để biết cách làm giàu, có bài bản, khoa học, vận dụng kỹ thuật tiến tiến vào phát triển sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống gia đình.

 Ông Lê Đức Minh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Bát Xát cho biết: hằng năm, Trung tâm dạy nghề Bát Xát mở trung bình từ 13- 15 lớp dạy nghề cho trên 500 học viên là nông dân thuộc diện hộ nghèo với các nghành nghề đào tạo như nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn theo quy trình ăn thẳng, kỹ thuật trồng rau an toàn và kỹ năng du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức dạy một số nghề mới như: kỹ thuật trồng chuối mô; chăn nuôi đại gia súc.

            Năm 2012 và đầu năm 2013 với nguồn kinh phí trên 100 triệu đồng, Trung tâm đã mở 6 lớp dạy nghề cho hơn 200 học viên với các lớp đào tạo kỹ năng du lịch cộng đồng cho 35 lao động nông thôn ở xã Bản Xèo (Bát Xát) và 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc ở 2 xã trọng điểm là Nậm Pung và A Mú Sung, lớp quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật sơ chế thuốc lá…với trên 100 lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình phát triển sản xuất hàng hóa điển hình như: mô hình trồng chuối mô chất lượng cao từ 50-60 ha, sản lượng 30 tấn/ha tập trung ở các thôn Bản Vền, Hải Khe (xã Bản Qua); vùng trồng rau vụ đông theo hình thức thâm canh gối vụ với tổng diện tích gần 100 ha, năng suất trung bình đạt 8 tấn/ha (đối với cây khoai tây); 5,6 tấn/ha (khoai lang); 13 tấn/ha (dưa hấu, dưa chuột, rau đậu các loại) ở xã Quang Kim. Đặc biệt, thông qua các lớp đào tạo, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng mở rộng quy mô, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Tiêu biểu như hộ ông Tả Dùn Vầy, dân tộc Dao thôn Bản Pho, sau khi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi, ông mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn lông nưa theo quy trình ăn thẳng tập trung, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 4-5 tấn lợn thịt, thu hàng trăm triệu đồng.

            Nói về ưu điểm của việc đào tạo nghề cho nông dân ông Lê Đức Minh cho biết thêm: phần lớn lao động nông thôn của huyện là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, kinh tế thiếu thốn, trình độ văn hóa có hạn không thể học nghề tập trung. Vì vậy, hình thức đào tạo nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc đã phát huy tác dụng, bà con có điều kiện học tập và áp dụng ngay tại ruộng vườn, nương, chuồng trại của gia đình, áp dụng những kiến thức nghề vào phát triển sản xuất, xuất, chăn nuôi, góp phần to lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập