Lào Cai 26° - 28°
Chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa trẻ em lang thang và hỗ trợ hồi gia bền vững
Lượt xem: 661
Ngày 24/3/2011, tại Nghệ An, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang (Bộ Lao động-TBXH) đã tổ chức hội nghị đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa trẻ em lang thang sau hơn một năm thực hiện Dự án Pha II. Tham dự có ông Đàm Hữu Đắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Dự án, cùng đại diện của các tỉnh, thành nằm trong vùng dự án.
       Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang Pha 2 được triển khai năm 2009 tại 51 xã, phường, 14 quận/huyện thuộc 10 tỉnh, thành. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Số đối tượng trẻ em lang thang trong vùng dự án đã giảm từ 926 xuống còn 326 trẻ, trong đó phải kể đến các tỉnh đã giảm được nhiều như Phú Yên giảm từ 115 xuống còn 22 em, Vĩnh Phúc giảm từ 77 xuống còn 17 em; các chỉ tiêu về tư vấn, hỗ trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ các gia đình tập huấn kinh doanh, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã đạt vượt so với kế hoạch 3 năm đề ra. Cùng với đó đã nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, các hoạt động giám sát, kiểm tra. Các hoạt động hỗ trợ đều đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra, phù hợp với đối tượng, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em lang thang ở địa phương, giúp các em hồi gia bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đã đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương, đặc biệt là đã làm tốt công tác tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc ngăn ngừa tình trạng trẻ em lang thang. Không nơi nào tốt hơn gia đình, gia đình là tổ ấm tốt nhất cho trẻ em. Sau khi hồi gia, các em phải được học nghề, có việc làm ổn định.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, trong thời gian từ nay đến cuối năm khi kết thúc, Ban Quản lý dự án trung ương cần tập trung cho các hoạt động học nghề, vay vốn để hồi gia, chăm sóc thay thế với các chỉ tiêu phân bổ cụ thể cho từng tỉnh, thành và phân bổ, giải ngân kinh phí theo đúng kế hoạch. Khi dự án kết thúc, các chỉ tiêu đề ra đều phải hoàn thành.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tỉnh, thành chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia, như Hà Tĩnh với kinh nghiệm về việc thành lập Câu lạc bộ quyền trẻ em ở tất cả 4 xã dự án, đều đặn sinh hoạt mỗi tháng 2 lần. Câu lạc bộ tại các xã không những thu hút các em vào sinh hoạt  mà còn thu hút sự tham gia của lãnh đạo thôn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và rất nhiều phụ huynh tham gia. Chủ đề tưng buổi sinh hoạt ngắn gọn, xoáy sâu vào nội dung, ngoài ra còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt khác đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương, thậm chí một số thôn đã vận động quyên góp tiền mời tiểu ban dự án tại xã về tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Hà Nội với kinh nghiệm gắn nhiệm vụ quản lý trẻ em với trách nhiệm của cán bộ chính quyền, xây dựng mô hình nhà trọ tin cậy (Tập hợp các chủ nhà trọ trong cùng khu vực, với sự phối hợp của tổ dân phố để tư vấn, chia sẻ kỹ năng quản lý, giúp đỡ, bảo vệ các em. TP. HCM với mô hình xây dựng nhà trọ thân thiện, giúp các nhà trọ cải thiện điều kiện về vệ sinh, nước sạch và môi trường cho các em, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ trẻ em, đến nay, không còn tình trạng ngủ vỉa hè, lang thang, mỗi xã, phường đều có 4 cán bộ chuyên trách làm về công tác xã hội, trong đó có một cán bộ làm về trẻ em và bình đẳng giới; thực hiện hỗ trợ trên 9.300 cộng tác viên về trẻ em với mức phụ cấp 100.000 đồng/tháng. Năm 2011, thành phố xác định là năm vì trẻ em, nên đã dành khoảng 100 tỷ đồng đầu tư trên 10 công trình văn hoá phục vụ cho trẻ em, tập trung ở các công viên, khu nhà văn hoá, nhà đa năng…
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập