Lào Cai 26° - 29°
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2011
Lượt xem: 573
Ngày 5/01/2011, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, lãnh đạo Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở LĐTBXH 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Trong năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các chỉ tiêu nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đều đạt kết quả tích cực, góp phần vào hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2005-2010. Nhiều chính sách, đề án mới ban hành và thực hiện trong năm đã và đang phát huy tác dụng, góp phần cải thiện đời sống cho hàng chục triệu người, tạo ổn định xã hội, cuộc sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách nhìn chung được quan tâm, đảm bảo. Trong phạm vi một ngày Hội nghị, ngoài báo cáo chung và báo cáo chuyên đề, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tăng cường trao đổi các mô hình, cách chỉ đạo hiệu quả của các địa phương, đơn vị; phản ánh các khó khăn, vướng mắc, bức xúc; xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất các giải pháp quan trọng để thực hiện.

               Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011 do Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Thanh Hòa trình bày, năm 2010, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động (đạt 100,66% kế hoạch, trong đó XKLĐ trên 85 ngàn người, gồm 4.500 lao động huyện nghèo, đạt 100,64% kế hoạch (tăng 16,4% so với năm 2009). Thị trường lao động tiếp tục phát triển, các hoạt động, thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ, kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Sàn giao dịch việc làm các địa phương được tổ chức ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả, đi đầu là các địa phương Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An. Thực hiện pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện điều kiện lao động có nhiều tiến bộ. Ngành đã tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp, số lao động được tham gia BHXH tăng, trong đó số lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 9,6 triệu người, BHXH tự nguyện đạt gần 76.000 người, tăng 60,7%; bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 6,4 triệu người, tăng 6,7%. Thu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 5.500 tỷ đồng; tính đến 31/11/2010 cả nước có 178.272 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 145.519 người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thường xuyên; 2.772 người thất nghiệp đã có quyết định hưởng BHTN 1 lần; 114.809 người được tư vấn giới thiệu việc làm; 243 người được trợ cấp học nghề.

              Các hoạt động xây dựng quan hệ lao động hài hòa và ổn định trong các doanh nghiệp được đẩy mạnh như: xây dựng thỏa ước lao động ngành; tổ chức diễn đàn về xây dựng quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp phòng ngừa và hạn chế đình công. An toàn, vệ sinh lao động có nhiều tiến bộ.

            Quy mô chất lượng dạy nghề cũng được nâng cao. Tuyển mới dạy nghề cho hơn 1,7 triệu người (tăng 6,6% so với năm 2009). Trong năm đã thành lập 13 trường cao đẳng nghề, 17 trương trung cấp nghề, 62 trung tâm dạy nghề. Chất lượng dạy nghề cũng được chuyển biến rõ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm ngay là 80,39%, trong đó  32,5% có mức lương từ 3,6 đến hơn 4,5 triệu đồng/tháng. Triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Cả nước đã tổ chức trên 9.000 lớp dạy nghề cho khoảng 277.000 lao động nông thôn, các lớp học nghề đều gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập của lao động nông thôn. Nhiều mô hình dạy nghề ở xã, thôn rất phong phú, đa dạng, tạo bước đột phá nhận thức về học nghề, lập nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, thanh niên cả nước.

            Đời sống vật chất, tinh thần người có công tiếp tục được cải thiện. Toàn ngành thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,4 triệu người có công và chi trả trợ cấp 1 lần cho hơn 45.000 người hoạt động kháng chiến, thanh niên xung phong; 95% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.

            Mục tiêu Giảm nghèo vượt mức kế hoạch 5 năm và ngày càng bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 9,45%, tỷ lệ hộ nghèo của 62 huyện nghèo nhất nước còn 38%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 30a/2008/NQ/CP đề ra. Đã thực hiện điều chỉnh trợ cấp xã hội theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ, với mức trợ cấp cho đối tượng tăng bình quân 1,5 lần; số đối tượng hưởng trợ cấp trên 1,4 triệu người, tăng thêm 229 ngàn người.

             Các hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực: 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giảm 3%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền; 50% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được trên 90 tỷ đồng, giúp đỡ cho gần 1 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn quốc. Trong đó gần 1.000 trẻ em được phẫu thuật mắt, trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận học bổng, trên 100.000 trẻ em được hưởng lợi từ chương trình Quỹ Sữa "Vươn cao Việt Nam", hàng ngàn trẻ em được phẫu thuật môi hàm ếch, phẫu thuật Dị tật vận động, trên 2.000 trẻ em được nhận cặp phao cứu sinh… Hàng ngàn trẻ em vùng khó khăn được hưởng lợi từ các công trình nước sạch và xây dựng trường học. 

               Giảm tỷ lệ tái nghiện, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm. Đã tiếp nhận, cai nghiện ma túy cho 50 ngàn người (đạt 100% kế hoạch), trong đó 40 ngàn người được cai nghiện tại các cơ sở Giáo dục - Lao động Xã hội. Giáo dục, chữa trị phục hồi cho gái mại dâm 3 ngàn người; dạy nghề, tạo việc làm cho 2 ngàn người; công nhận mới 1.006 xã, phường đưa tổng số lên 7.556 xã, phường trong cả nước đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy, chiếm 68,7% tổng số xã, phường cả nước.

 Năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao là Chủ tịch cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Thực hiện trách nhiệm được giao, Bộ đã tổ chức thành công các sự kiện ASEAN, nổi bật là 4 Hội nghị cấp Bộ trưởng, gần 20 Hội nghị cấp quan chức ở trong nước và 30 sự kiện ở nước ngoài. Kết quả thành công của kế hoạch hợp tác năm ASEAN đã được Lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhận và thông qua, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Bộ, ngành ở trong nước cũng như quốc tế, tạo cơ sở cho hội nhập ngày càng phát triển và hiệu quả.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế như:  Triển khai hướng dẫn pháp luật về lao động, người có công và xã hội chưa kịp thời, Luật đã có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ; tổ chức thực hiện chính sách về lao động, người có công và xã hội ở một số địa phương còn có sai sót, theo dõi cập nhật quản lý đối tượng chưa tốt.  Chất lượng, hiệu quả một số lĩnh vực chưa được nâng lên; thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ; quản lý lao động còn yếu, đặc biệt trong theo dõi, quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tranh chấp lao động, đình công không đúng luật vẫn diễn ra; chất lượng dạy nghề còn hạn chế, dạy nghề cho lao động nông thôn mới tập trung tăng quy mô, chưa gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo còn khó khăn; bạo lực, lạm dụng trẻ em… vẫn xảy ra ở nhiều nơi; tệ nạn mại dâm, nghiện hút ma tuý chưa được ngăn chặn có hiệu quả, tái phạm, tái nghiện vẫn còn cao...

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và năng lực của bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập, chưa kịp thời đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa được chặt chẽ. Chỉ đạo, điều hành tuy có chuyển biến nhưng chưa đều, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hành chính, quan liêu, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tư tư­ởng bao cấp trong nhân dân, trong chính quyền các cấp còn nặng nề, nên hạn chế xã hội hoá, huy động nguồn lực trong cộng đồng.

Báo cáo cũng đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2011 là:

-  Tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó xuất khẩu lao động cho 87 ngàn người. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,5%.

- Tuyển mới dạy nghề cho 1,86 triệu người.

- Phấn đấu 96% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công;

- Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới; trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm 4%.

- Cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng.

-  80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 6%; 60% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

- Tăng cường bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quyền của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội và gia đình.

- Giáo dục, chữa bệnh cho 3.000 đối tượng mại dâm; dạy nghề, tạo việc làm sau giáo dục, chữa bệnh cho 2.000 người hoàn lương. Cai nghiện, phục hồi cho 50.000 lượt người, trong đó cai nghiện mới 20.000 người; dạy nghề, tạo việc làm sau cai cho 9.000 người; Xây dựng, chuyển hoá thêm 1.000 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

             Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2011, báo cáo cũng đề ra 13 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án; (2) Phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người lao động; (3) Thực hiện pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện điều kiện lao động; (4) Tăng quy mô, nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo cơ hội việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; (5) Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người có công; (6) Tập trung nguồn lực đầu tư, thực hiện giảm nghèo bền vững; (7) Tăng cường hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; (8) Tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; (9) Thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; (10) Giảm phát sinh mới tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; (11) Quy hoạch, đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp; (12) Mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của ngành; (13) Cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

  Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương những nỗ lực của ngành Lao động- TBXH trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010. Phó Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của ngành lao động thương binh xã hội, với nhiệm vụ chăm lo cho con người, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội, vừa mang tính an sinh xã hội… Phó Thủ tướng đề nghị ngành cần nghiêm túc nhận thức rõ những mặt còn hạn chế như thiếu việc làm, chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển đất nước, còn nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, đời sống của nhân dân còn khó khăn, thu nhập thấp… nhằm tìm biện pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.  

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ đạo ngành Ngành Lao động- TBXH trong năm 2011 cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chú trọng hơn nữa đến chức năng quản lý nhà nước của ngành, tham mưu chế độ chính sách trong lĩnh vực LĐTBXH cho Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược hơn.

Hai là, chú trọng  đáp ứng nguồn nhân lực cao cho đất nước trong giai đoạn mới thông qua đẩy mạnh đào tạo nghề.

Ba là, triển khai đồng bộ chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, tạo việc làm ở cả thành thị và nông thôn để  giảm nghèo một cách bền vững. Đặc biệt, phải chuyển dịch cơ cấu lao động, quy hoạch lại sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ.

Bốn là, ngành LĐTBXH cần rà soát lại các chính sách về các vấn đề xã hội (như vấn đề về trẻ em, bình đẳng giới, thực hiện chính sách đối với người có công…), góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nguyên Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc và Huân chương Lao động hạng Nhất cho nguyên Thứ tưởng Nguyễn Đình Liêu; trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 3 cá nhân và Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ LĐTBXH đã đoạt giải ba trong phong trào thi đua năm 2010.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Bộ đã trao Cờ Thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho các tập thể xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2010.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập