Lào Cai 26° - 28°
Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và những bài học kinh nghiệm
Lượt xem: 616
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.
          Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, được bắt đầu triển khai thực hiện trong bối cảnh năm 2010 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2011-2015, đồng thời cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp và là năm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế và việc làm nước ta... Bối cảnh trên vừa có những điểm thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức tác động đến việc triển khai thực hiện Đề án.

Nhận định đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả bước đầu. 100% các huyện, thành phố đã xây dựng Đề án và thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), xây dựng quy chế BCĐ, 100% số xã đã thành lập BCĐ hoặc thành lập tổ công tác giúp việc. Đã tăng cường năng lực cho các trung tâm dạy nghề. Bố trí lực lượng tuyên truyền xuyên suốt từ tỉnh đến các thôn bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và các địa phương.

Qua gần 3 năm tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện thì các chính sách, hoạt động của Đề án được triển khai nhanh, có hiệu quả.

Hai là: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động nông thôn . Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.

Ba là: Để thực hiện Đề án có hiệu quả phải chỉ đạo và huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động và người lao động, đồng thời cần nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…; cần huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; huy động những người sản xuất giỏi, thợ lành nghề trong các doanh nghiệp, nghệ nhân trong các làng nghề… tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bốn là: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề phải được đầu tư đồng bộ; cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu phải được tăng cường về chất lượng và đủ về số lượng.

Năm là:  Việc triển khai Đề án 1956 phải được lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, đặc biệt là gắn chặt với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Chính phủ.

Sáu là: Công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động dạy nghề phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các “khâu” và ở tất cả các cấp.







Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập