Lào Cai 26° - 27°
Tổng kết Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2006 - 2010
Lượt xem: 1159
Sáng ngày 6/01/2011, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị. Cùng dự, có đông đủ các thành viên trong Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia và đại diện lãnh đạo một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết: Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động giai đoạn 2006 – 2010 được Chính phủ phê duyệt đã thực sự là động lực thúc đẩy công tác ATVSLĐ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 4 năm thực hiện, Chương trình đã có tác động lớn đến việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động, người sử dụng lao động, người nông dân…trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nơi sản xuất. Việc cải thiện tốt điều kiện và môi trường lao động đã góp phần và việc giảm ô nhiễm môi trường sinh thái và môi trường gây bệnh tật hay tai nạn trong cộng đồng và người lao động. Tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp giảm cũng đã góp phần tiết kiệm sức lao động xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo và gánh nặng cho xã hội. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng xuất khẩu đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Công tác ATVSLĐ của Việt Nam được các tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá cao. Minh chứng là nước ta đã được ILO và các nước ASEAN chọn làm nước điều phối về Hồ sơ Quốc gia và Chương trình Quốc gia trong khu vực, là thành viên chính thức của IALI và là Phó Chủ tịch của ISSA Mining.

        Báo cáo tóm tắt kết quả 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, ông Vũ Như Văn - Quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động cho biết:  Tần suất tai nạn lao động và tần suất tai nạn lao động chết người hiện đang có xu hướng giảm dần (trên 2,91% mỗi năm). Từ năm 2006 - 2009, trung bình mỗi năm xảy ra 5.972 vụ tai nạn lao động, 506 vụ tai nạn lao động chết người làm 570 người chết. Tuy nhiên, còn nhiều vụ bị che dấu, không khai báo nên số liệu trên thấp hơn nhiều so với thực tế. Đặc biệt, tỷ lệ giảm 5% tần xuất tai nạn lao động trong 3 lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, sử dụng điện đã đạt được mục tiêu Chương trình đề ra. Tuy nhiên mục tiêu giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chết người thì chưa đạt được, thực tế tình hình này đang gia tăng.

        Còn theo số liệu thống kê từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội, trong giai đoạn 2006-2009, bình quân mỗi năm có thêm khoảng 814 người mắc mới bệnh nghề nghiệp được chi trả trợ cấp. Tỷ lệ số người mắc mới bệnh nghề nghiệp tính trên tổng số người tham gia BHXH bình quân mỗi năm giảm 5,95% so với năm 2005, giảm 6,97% so với giai đoạn 2001-2005.

        Qua sự phân tích trên cho thấy, tỷ lệ số người mắc mới bệnh  nghề nghiệp ở khu vực tham gia BHXH là giảm, nhưng khó có thể đạt được mục tiêu giảm 10% vào năm 2010. Đối với “mục tiêu đảm bảo trên 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện” là không thể hoàn thành vào năm 2010, thực tế chỉ đạt được 12%. Mặc dù vậy, tỷ lệ phát hiện/ tổng số khám cũng đã giảm 15% mỗi năm, cho thấy việc phòng chống bệnh nghề nghiệp đã đạt một số kết quả nhất định.

        Về mục tiêu đảm bảo 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, thì xét theo báo cáo từ cơ quan lao động, cơ quan y tế các địa phương  là đạt được. Tuy nhiên, đối với số lao động bị tai nạn mà không khai báo hoặc bị bệnh nghề nghiệp mà không được giám định y khoa thì không thể đánh giá và cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của mục tiêu này.

        Về thực hiện mục tiêu công tác huấn luyện, từ năm 2007-2010, đã huấn luyện cho trên 73% số người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (đạt 92% kế hoạch đặt ra), trên 9.000 cán bộ quản lý Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương mỗi năm ( vượt kế hoạch đề ra) và trên 76% số cán bộ ATVSLĐ trong các doanh nghiệp được huấn luyện (đạt 95% kế hoạch).

        Cũng theo báo cáo của các địa phương, 100% các vụ tai nạn có báo cáo hoặc do cơ quan thanh tra lao động phát hiện đều được điều tra, xử lý.. Song theo phân tích, đánh giá chỉ có khỏang 92% tổng số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được 100% như Chương trình đề ra khi cơ chế thông tin, khai báo tai nạn lao động được đầy đủ và chính xác, qua việc thành lập Quỹ Bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

        Để làm tốt hơn nữa việc đảm bảo an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh đề nghị các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung thực hiện một số việc sau:

- Các bộ, cơ quan được giao chủ trì dự án của Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 khẩn trương tổ chức xây dựng và phê duyệt dự án sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Các địa phương căn cứ vào mục tiêu và hoạt động của Chương trình Quốc gia để xây dựng Chương trình hành động của địa phương mình, xác định rõ kinh phí ngân sách địa phương cho Chương trình và kinh phí ngân sách chi từ trung ương để thực hiện. Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương để triển khai Chương trình tại địa phương.

- Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 70/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH về việc hướng dẫn và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Quốc gia 2011-2015.

- Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật về lĩnh vực này của người sử dụng lao động và người lao động./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập