Lào Cai 24° - 26°
Định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất dựa vào cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Lượt xem: 1501
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là các nội dung, hoạt động quan trọng trong Chương trình giảm nghèo thời gian qua. Việc hỗ trợ sản xuất hiện nay chủ yếu thông qua các hình thức như: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và hiện vật (cây, con, giống…); hỗ trợ tín dụng (là phương thức chủ yếu); hỗ trợ gián tiếp thông qua các chính sách thu hút đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; và thông qua các mô hình sinh kế để hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sản xuất thời gian qua còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nội dung, chính sách cần rà soát lại và chưa đạt hiệu quả mong muốn. Việc hỗ trợ trực tiếp tạo ra sức ỳ và không có sự tham gia của người dân, dẫn đến ý thức và sự quan tâm của người nghèo không cao, không có tính kế thừa và phát triển lâu dài. Cơ quan hỗ trợ trực tiếp cũng làm thay người nghèo, không hiểu được phong tục tập quán, điều kiện cụ thể cũng như mong muốn của đối tượng được hỗ trợ dẫn đến hỗ trợ không trúng và hiệu quả không như mong muốn. Bên cạnh đó, các mô hình đưa xuống lại thiếu cơ chế theo dõi, quản lý, giám sát và nhân rộng mô hình. Chính vì vậy, việc rà soát, thiết kế lại hệ thống chính sách hỗ trợ sản xuất, sửa đổi, bổ sung và loại bỏ những chính sách không thiết thực, hiệu quả là rất cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm mong muốn qua Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi, tư vấn, khuyến nghị, phát biểu thẳng thắn, cởi mở và có trách nhiệm của các đại biểu, tập trung vào các nội dung như rà soát, thiết kế lại chính sách, cách thức thực hiện, định hướng nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và tạo sinh kế bền vững cho người nghèo. Từ đó, Bộ sẽ tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện các tiểu dự án và dự án thành phần về hỗ trợ sản xuất trong Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Đây cũng là định hướng để Bộ xây dựng các hướng dẫn cho Chương trình sau này.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu đã nêu lên nhiều kinh nghiệm, cách làm hay cũng như đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết về định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình giảm nghèo thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Anh, chuyên gia tư vấn Dự án PRPP nêu kiến nghị về các nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ sản xuất dựa vào cộng đồng, cụ thể là: Hỗ trợ sản xuất cần dựa trên cơ sở quy hoạch sản xuất của địa phương, hạn chế tính tự phát, phong trào; Hỗ trợ cho hộ gia đình thông qua dự án do cộng đồng đề xuất, quyết định; cộng đồng là nhóm hộ do các tổ chức đoàn thể làm đại diện, hoặc hình thành theo từng thôn, bản, được UBND cấp xã quyết định công nhận, có quy chế hoạt động cụ thể; Đối tượng tham gia dự án trước hết ưu tiên cho hộ gia đình cam kết thực hiện các quy định đề ra, không hỗ trợ cào bằng để hạn chế tính ỷ lại vào chính sách; Hỗ trợ sản xuất phải thông qua dự án, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian thực hiện từ 2-3 năm; Nội dung hỗ trợ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng dự án, bao gồm hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hướng dẫn chăm sóc, bảo quản, chế biến, phòng trừ dịch bệnh gắn với tiếp cận thị trường.

Đại diện Sở LĐTBXH các địa phương phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Sở LĐ-TBXH các tỉnh Cao Bằng, Trà Vinh, Lâm Đồng, Phòng LĐ-TBXH huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) đều đề xuất cần giảm các hỗ trợ cho không bằng hỗ trợ có điều kiện, có thu hồi hoặc quay vòng  tại cộng đồng; đồng thời hướng tăng cường công tác truyền thông, giúp người nghèo có ý chí vươn lên, đăng ký thoát nghèo.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập