Lào Cai 24° - 26°
Xã hội hóa Trung tâm Bảo trợ xã hội
Lượt xem: 1364

Duy trì được bữa cơm cũng khó
Tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần, thần kinh Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dương Xuân Hưng cho biết, hiện toàn Trung tâm có 75 lao động đang phục vụ gần 200 bệnh nhân tâm thần nặng, khó có khả năng phục hồi. Ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm được dựa trên số bệnh nhân là khoảng gần 1,3 triệu đồng/người. Với mức trợ cấp này, cố gắng để duy trì được bữa ăn cho người bệnh đã khó chứ chưa nói đến việc nâng cao chất lượng bảo trợ xã hội.
“Theo quy định tiền thuốc cho mỗi bệnh nhân là 200.000 đồng/1 tháng, với mức này rất khó để trang trải giúp bệnh nhân điều trị bệnh, nhất là với những bệnh nan y. Kinh phí hạn chế, đối tượng lại thuộc diện bảo trợ xã hội thì lấy đâu ra kinh phí chính? Vì vậy, có tháng bệnh nhân tăng đột biến thì lại lấy từ người này bù trừ sang người kia” - Giám đốc Trung tâm Dương Xuân Hưng nói.
Đánh giá về hệ thống TTBTXH, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, mạng lưới các TTBTXH hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho số đối tượng ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện cả nước có tới gần 200 TTBTXH công lập, trong đó có 45 TTBTXH tổng hợp nuôi dưỡng người bệnh tâm thần, 26 TT nuôi dưỡng người bệnh tâm thần chuyên biệt. Trong đó, cơ sở vật chất của nhiều đơn vị được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn thiếu… Khó khăn lớn nhất của các TTBTXH là thiếu kinh phí, bởi nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị tăng chậm hơn rất nhiều do với số đối tượng cần được chăm sóc. Có thể thấy, việc đẩy mạnh xã hội hóa các TTBTXH là việc làm càng sớm càng tốt.
Loay hoay tự chủ
Xã hội hóa các TTBTXH không phải vấn đề mới, trên thế giới xu hướng này đã được thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây khi Việt Nam chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa già hóa dân số. Tuy nhiên, đa số các TTBTXH vẫn chưa biết phải tự chủ như thế nào, xã hội hóa từ đâu.
Ý thức được rằng không thể ỷ lại hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, lâu nay Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần, thần kinh Thái Nguyên đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu bằng cách tăng gia sản xuất một số loại cây, con. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ giúp TT đáp ứng một phần nào đó lương thực, chứ chưa thể tự chủ được hoàn toàn kinh phí hoạt động. Trước chủ trương xã hội hóa vào năm 2020 của Bộ, Lãnh đạo TT đã mạnh dạn xin UBND tỉnh cấp phép thành lập phòng khám đa khoa để tận dụng đội ngũ y bác sĩ sẵn có. Thành thật thừa nhận còn thiếu kinh nghiệm quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ tư kiểu này, chính Lãnh đạo Trung tâm cũng không dám trả lời đến bao giờ khoản đầu tư gần 2 tỷ đồng này mới sinh lợi, trong khi thời hạn xã hội hóa các Trung tâm đang gần trước mắt.
Rõ ràng, chủ trương xã hội hóa là đúng đắn bởi việc chăm sóc, trợ giúp các đối tượng yếu thế là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là khi quỹ an sinh xã hội của Nhà nước chưa có thời gian tích lũy. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhiều mặt đối với các đối tượng cần được chăm sóc mà tự chủ được sản xuất kinh doanh. Song, việc thực hiện chủ trương liệu có khả thi khi buộc các TTBTXH tự thân vận động sau một thời gian dài hoạt động dựa vào ngân sách của Nhà nước? Mặt khác, đa phần cán bộ lãnh đạo các TTBTXH đều chỉ có kinh nghiệm quản lý nhà nước, trong khi quản lý một đơn vị nhà nước với một đơn vị hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là rất khác nhau. Do đó, để thực hiện được chủ trương xã hội hóa các TTBTXH đến năm 2020, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương các cấp, chứ không thể cứ đơn giản “đem con bỏ chợ”.
 

Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, mỗi năm ngân sách nhà nước dành khoảng 300 tỷ đồng cho các TTBTXH. Do đó, dù có vận động thêm được các khoản khác, tính trung bình mỗi một đối tượng chỉ được hưởng 1 triệu đồng/tháng. Nếu thực hiện xã hội hóa thì các trung tâm sẽ tự chủ được kinh phí còn số tiền từ ngân sách nhà nước sẽ được dành cho các đối tượng nghèo, yếu thế, không phân biệt là công lập hay ngoài công lập.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập