Lào Cai 24° - 26°
Tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục
Lượt xem: 1345
emoticon
Phóng viên: Những năm gần đây, số trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này? Nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục là gì?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan:
 Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài  mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi và  đối tượng xâm hại tình  dục trẻ em đa phần là những người quen của trẻ em như: hàng xóm, anh em họ hàng, thầy giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường, thậm chí là bố dượng, mẹ kế, cha đẻ. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%); năm 2011, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.045 em; năm 2012 là 1.209 em; năm 2013 là 1.326 em; năm 2014 là 1.544 em. Những con số biết nói này khiến cho chúng ta cảm thấy đau lòng và đòi hỏi chúng ta phải có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này.
Nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay nhìn dưới góc độ quản lý nhà nước có thể gói gọn ở 4 nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Cụ thể, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới, thành nạn tảo hôn, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng miền núi. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Thứ hai, những khó khăn, thách thức khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường và ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Những khó khăn về kinh tế,xã hội cũng dẫn đến gia tăng áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội, gây ra các sang chấn tâm lý và hành vi "lệch chuẩn" ở trẻ em và người lớn.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại như sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm... Bên cạnh đó, việc tạo cho trẻ em một môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Thứ ba, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống. Mặc dù đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Thứ tư, hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Vai trò của cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viêncông tác xã hội làm việc về trẻ em chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước để bảo đảm quyền hạn pháp lý khi thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo các điều kiện thực hiện quy trình phát hiện, can thiệp sớm, tư vấn, phục hồi tích cực cho mọi trẻ em và tái hòa nhập cho các nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa theo kịp với thực tiễn, đặc biệt với trẻ em nam. Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em quy định rất cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), trong đó có quy định cụ thể về các tội xâm hại tình dục với người chưa thành niên với các nhóm độ tuổi cụ thể (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; dưới 13 tuổi) gồm: tội hiếp dâm,tội cưỡng dâm, tội dâm ô, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Đây là các tội phạm có tính nguy hiểm trong xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các em (không phân biệt nam hay nữ), khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với công tác phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Trong thời gian qua, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã quan tâm, đầu tư triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và các chương trình liên quan về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Để tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, các cơ quan ở Trung ương, địa phương và các cơ quan truyền thông để tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc chủ động phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em.
Theo trách nhiệm được phân công, các cơ quan Trung ương đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai quy trình, biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, can thiệp và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Các Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh và một số địa phương đã triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trong giai đoạn 2013 – 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thí điểm dự án Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch tại một số địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các hoạt động này đang được tiếp tục triển khai, nhân rộng trong việc triển khai Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ)…
Trong Luật trẻ em mới được thông qua trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII cũng có quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục trẻ em (Điều 6), quyền của trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25) và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó đã bao gồm cả trẻ em bị xâm hại tình dục. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung của Luật trẻ em./.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập