Lào Cai 27° - 30°
Chú trọng triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững ở Lào Cai
Lượt xem: 296

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến hết năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh Lào Cai là 4,43% vượt 110,75% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2023 là 4%). Để đạt được kết quả này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt vào cuộc, chú trọng xây dựng những mô hình giảm nghèo bền vững để từng bước nhân ra diện rộng.

Thực hiện Kế hoạch 142/KH-UBND ngày 15/03/2023 của tỉnh Lào Cai về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong quá trình triển khai đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh Lào Cai là 4,43% vượt 110,75% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2023 là 4%); trong đó, tỷ lệ giảm nghèo tại các xã nghèo nhất của tỉnh bình quân 10,41%, giảm từ 60,95% xuống còn 50,54% (tương đương số hộ nghèo còn lại là 3.124 hộ), đạt và vượt 130,1% so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung nguồn lực, giải pháp đẩy nhanh giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. 

Để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các dự án đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong năm 2023, tỉnh đã bố trí hơn 86,6 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ thực hiện  hơn 40 mô hình giảm nghèo trên toàn tỉnh. Nhóm đối tượng được hướng đến là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo. 

Theo quy định, các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có trên 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.

anh tin bai
Người dân tham gia tập huấn mô hình trồng nấm tại xã Dền Thàng, huyện Bát Xát

Theo đó, các nhóm đối tượng nêu trên sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như: Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; trong đó, ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật. 

anh tin bai
Mô hình trồng quýt tại huyện Mường Khương

Các dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được tổ chức thực hiện theo 03 phương thức hỗ trợ, gồm: Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Là phương thức hỗ trợ thông qua dự án, kế hoạch liên kết do đơn vị chủ trì liên kết hợp tác với các đối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo chuỗi giá trị; 

Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: Là phương thức hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất, dịch vụ do chính cộng đồng dân cư đề xuất và tổ chức thực hiện; 

Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ: Là phương thức hỗ trợ thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu lựa chọn cơ quan, đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện hoạt động hỗ trợ người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Dự kiến tổng nguốn vốn thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là hơn 239 tỷ đồng và được phân bổ theo kế hoạch hàng năm. Các dự án đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia đồng thời, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh và các địa phương (cấp huyện, cấp xã), khả năng tham gia của các đối tượng trong thực hiện Chương trình. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo./.
                                                                                                                       Phạm Tuấn Mạnh

 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập