Lào Cai 25° - 27°
Chú trọng đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Lượt xem: 78

Thời gian qua, cùng với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Hoạt động này nhằm bảo đảm sức khỏe để người lao động yên tâm làm việc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 765 doanh nghiệp  với trên 26,8 nghìn lao động, 327 cơ sở có yếu tố có hại, nguy hiểm; 16 đơn vị y tế đủ điều kiện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (trong đó 12 đơn vị công lập và 04 đơn vị tư nhân), 02 đơn vị đủ điều kiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và tư vấn điều trị các bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để góp phần phòng chống bệnh nghề nghiệp và giảm thiểu nguy cơ tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động; thời gian qua ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn và phối hợp các cơ quan liên quan (Sở Lao động – TBXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh…) thực hiện việc tuyên truyền phổ biến cho người lao động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: tuyên truyền qua Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tập huấn, huấn luyện, nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật, phát tờ rơi, áp phích… Đặc biệt, ngành Y tế đã thường xuyên thực hiện  quản lý và  quan trắc môi trường lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2023, đã thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 116 đơn vị, doanh nghiệp đạt tỷ lệ 33,7%, các yếu tố có hại đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước như điều kiện vi khi hậu, ồn, bụi, bức xạ nhiệt; quản lý và thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 5.142 người lao động, tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đạt tỉ lệ 28,2% …

anh tin bai
CDC Lào Cai thực hiện quan trắc môi trường lao động tại Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem năm 2023.

 

Thực tế cho thấy, để đảm bảo phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, đồng thời thực hiện theo quy định của Luật An toàn vệ sinh Lao động thời gian qua nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã quan tâm, chăm lo sức khỏe cho đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) như một cách đảm bảo quyền lợi theo pháp luật lao động và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người lao động yên tâm gắn bó lâu dài đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Tại Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem (gọi tắt là Công ty) hiện có gần  570 lao động. Theo đó, Công ty đã phân loại 363 người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 480 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Hằng năm, Công ty phối hợp với các bệnh viện, phòng khám uy tín tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Với những CNLĐ làm việc trong các phân xưởng có đặc thù nặng nhọc, độc hại sẽ được khám bệnh nghề nghiệp như kiểm tra thính lực, thị giác,…. Cụ thể năm 2023, Công ty đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 566 lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 371 lao động. Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra sức khỏe, Công ty  không phát sinh trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. 

Theo lãnh đạo Công ty, việc khám sức khỏe, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp rất quan trọng, giúp Công ty đánh giá sức khỏe toàn diện cán bộ, người lao động, làm căn cứ sắp xếp nhân sự phù hợp với điều kiện sức khỏe từng người. Từ việc khám sức khỏe hằng năm, người lao động được đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe, những trường hợp mắc các bệnh lý sẽ được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Để chăm lo sức khỏe cho người lao động, Công ty đã trang bị tủ thuốc sơ cấp cứu tại nơi làm việc,và lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động; trang bị, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; thực hiện đo, quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc nhằm phát hiện  những vị trí không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường để có những biện pháp khắc phục, cải thiện môi trường lao động kịp thời.  

Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, với mục tiêu chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ người lao động, đảm bảo an toàn cho người lao động, tài sản Nhà nước, tài sản doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, năm 2004 phấn đấu toàn tỉnh có 58% số cơ sở lao động theo phân cấp quản lý được kiểm tra, giám sát; 34% người lao động tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được quản lý sức khỏe và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; 89% số cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc; 53% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý; 30% số cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được kiểm tra quan trắc môi trường lao động; 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, được khám, điều trị và phục hồi chức năng…Rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên ngành, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh trên địa bàn toàn tỉnh để đẩy mạnh công tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, qua đó góp phần nâng cao nhân thức trách nhiệm thực hiện công tác ATVSLĐ của các cấp các ngành, người sử dụng lao động và đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Đồng thời, liên ngành Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát phối hợp liên ngành về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực hệ thống cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, giám sát, an toàn vệ sinh lao động; triển khai xây dựng và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh nghề nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp…

Để thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại nơi làm việc cần tiếp tục triền khai công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp tại một số ngành nghề như khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất hoá chất, nhà máy thuỷ điện; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hằng năm cho người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hướng dẫn lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ, hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp tại đơn vị theo quy đinh; 

Bên cạnh đó thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc; tăng cường công tác giám sát, tổ chức quan trắc môi trường lao động tai các đơn vị doanh nghiệp có yếu tố độc hại; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc môi trường lao động; Đánh giá các yếu tố vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh trong điều kiện lao động thực hiện giám sát, quan trắc môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định.

Hơn nữa, tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh cần phát huy vai trò trong việc tổ chức các phong trào quần chúng thi đua làm công tác vệ sinh lao động và trong hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, giám sát việc thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc./. 
                                                                                                                                                              Hồng Minh 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập