Lào Cai 27° - 29°
NỮ Y SỸ GẮN BÓ, TẬN TÂM VỚI NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Lượt xem: 929

Vậy là, cũng đến ngày tôi quay trở lại với công việc sau quãng thời gian nghỉ chế độ. Mới có 6 tháng thôi mà cơ quan tôi thay đổi nhiều quá, mấy dãy nhà cao tầng mới mọc lên, khu làm việc của cán bộ Trung tâm, khu nhà ở của đối tượng, khu bếp ăn, sân chơi, …. mọi thứ dường như vẫn còn vương mùi vôi vữa, đối tượng được nuôi dưỡng ở Trung tâm dường như cũng nhiều hơn, đặc biệt là đối tượng “người khuyết tật”.
Do đặc thù của đơn vị, tôi nhanh chóng tiếp nhận lại công việc, tìm hiểu những công việc mới, cả những đối tượng mà hàng ngày chúng tôi nuôi dưỡng, chăm sóc. Nhiều khi mải việc, tôi thường rời cơ quan khá muộn.
Chiều nay cũng vậy, khi mọi công việc trong ngày tạm ổn thì cũng đã gần 6h chiều, cái nắng tháng 6 vẫn chói chang ngoài khung cửa sổ, sân chơi của trẻ em tại Trung tâm vắng tanh, mọi người giờ này chắc cũng về hết rồi. Tôi vội vàng xuống lấy xe để về, đi qua khu nhà ở của đối tượng, tôi chợt nghe thấy tiếng cười nói, rì rầm nho nhỏ phía khu nhà tắm của trẻ em, tiến lại gần, tôi chợt nhận ra giọng của chị Nguyễn Phương Thủy Hương (một cán bộ y tế của Trung tâm). Chị Hương đang tắm cho em Hiền (một đối tượng khuyết tật rất nặng). Chị Hương vừa tắm, vừa trò chuyện, cười cười, nói nói cùng em Hiền với cử chỉ, thái độ rất thân thiện dịu dàng. Mặc dù biết em Hiền không nghe và không nói được nhưng chị vẫn cứ nói, cứ chuyện…Em Hiền dù không nói, không nghe được nhưng chắc chắn với cử chỉ, thái độ của chị Hương em cũng cảm nhận được những tình cảm trìu mến của chị nên nét mặt thật rạng rỡ, vui vẻ, em cứ ưư, aa… và cười rất tươi!!! Chắc chị không biết có tôi đứng ở đó nên vẫn cứ thủ thì, vỗ về Hiền như một người mẹ, đáp lại Hiền cũng ú ớ cười, tay thỉnh thoảng đập đập xuống nước, vung vẩy, như nô đùa, như làm nũng, như nghịch ngợm.
Chị Hương về công tác ở quan tôi đã hơn 10 năm, thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Hơn 10 năm qua, chưa bao giờ tôi thấy chị kêu ca, phàn nàn, lúc nào cũng quan tâm, chăm sóc tận tụy, đối với người già, chị động viên, thăm hỏi từng bữa ăn, giấc ngủ, đối với những đứa trẻ, chị vỗ về, yêu thương như con ruột. Có lần chị nói với tôi “Nhiều lúc cứ nghĩ mình khổ, vào làm ở đây mới thấy có nhiều mảnh đời còn éo le, thiệt thòi quá, nên chị em mình, nếu làm được gì cho họ, phải cố hết lòng, hết sức thôi em ạ”.
Chị luôn tận tâm với người khuyết tật
Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên má chị, tưởng như mệt mỏi mà không phải, tôi cảm nhận được đó là tình cảm của một người chị, một người mẹ đang chăm sóc cho đứa em, cho đứa con bé nhỏ của mình. Lên xe ra về mà lòng tôi thấy ấm áp quá, một cảm xúc mãnh liệt dâng trào, được chứng kiến sự chăm sóc tận tình, chu đáo của chị Hương với em Hiền mới cảm nhận hết được những công việc khó khăn, vất vả mà chị cùng với những đồng nghiệp khác đảm nhận và vượt qua. Vẫn biết đó là công việc, nhiệm vụ của các chị, nhưng các chị đã làm việc với một tấm lòng đầy nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm, với mong muốn không gì khác là bù đắp lại phần nào thiệt thòi, thiếu thốn của những số phận éo le đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, giúp họ có thêm nghị lực, lạc quan, vượt qua hoàn cảnh của bản thân.
Tôi nhớ có một lần, khi đi công tác ở Hà Nội, tôi có ghé qua Bệnh viện Việt - Đức thăm chị Hương và cháu Vinh (đối tượng của Trung tâm) đang chữa bệnh tại Bệnh viện. Sau những lời hỏi thăm về sức khỏe, về bệnh tình của cháu, tôi thấy nét mặt của chị Hương buồn buồn, rồi chị chia sẻ: “Thương cháu lắm em ạ, người ta bệnh nặng thế này thì có biết bao nhiêu người chăm sóc, động viên, đây chỉ có một cô một cháu, nhiều lúc tự cháu cũng phải cố gắng rất nhiều nhưng cháu không hề kêu ca hay chán nản, cháu rất tự giác và lạc quan, chính vì vậy mà càng thương cháu hơn…và cũng là tiếp thêm động lực để mình chăm sóc cho cháu cẩn thận, chu đáo hơn”.
Nghe chị tâm sự tôi cũng thấy nghẹn ngào! Các chị là vậy, các chị cũng có gia đình, có chồng, có con, có biết bao nhiêu việc cần có bàn tay và sự hiện diện của người phụ nữ mỗi ngày, mỗi giờ trong gia đình của mình, nhưng vì các con, vì công việc các chị sẵn sàng xách ba lô lên đường bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Các chị coi các cháu như con, coi các cụ như bố mẹ; rồi đối với các trường hợp tâm thần kinh không ổn định, tâm lý lúc nắng, lúc mưa nhưng các chị cũng chẳng nản lòng hay cáu gắt, vẫn cứ chuyện trò, tâm sự theo những dòng cảm xúc không đầu, không cuối, lúc vui, lúc buồn, lúc cười, lúc khóc, lúc già, lúc trẻ và cứ như thế, như thế…
Các cháu của Trung tâm Công tác xã hội biểu diễn văn nghệ tại Diễn
đàn “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”

Cảm nhận được tình cảm chân tình, gần gũi, nhân hậu từ các chị, đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, nhất là đối tượng “người khuyết tật”, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực, vượt lên số phận để học tập, rèn luyện. Đối với các cháu, đều học hành tiến bộ, xây dựng gia đình, nhiều cháu đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có địa vị trong xã hội nhưng luôn nhớ và trân trọng các cô như những đối với người mẹ hiền; các cụ già thì thương yêu các chị như con ruột của mình; người tâm thần luôn có được người bầu bạn là các chị.
Trong lòng tôi thật trân trọng và cảm phục các chị, các chị thật sự là những tấm gương sáng để mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo./.
Bài viết của Lê Thuý Hà
Trung tâm Công tác hội tỉnh Lào Cai









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập